Thời kỳ đầu trị vì:đặt nền tảng cho Hậu Lương Lã_Quang

Khoảng tết năm 387, Lã Quang xưng làm Tửu Tuyền công, đây là tước hiệu đầu tiên mà ông tuyên bố để thể hiện việc đang kiểm soát lãnh thổ của mình. Ông tập trung vào việc củng cố quyền lực của mình tại Lương Châu, bỏ qua cơ hội khi Tiền Tần (của Phù Đăng) và Hậu Tần (của Diêu Trường) ở phía đông nam đang lâm vào bế tắc.

Vào mùa thu năm 387, Lã Quan bắt được và cho xử tử Trương Đại Dự (張大豫), con trai của Trương Thiên Tích (vua cuối cùng của Tiền Lương), Trương Đại Dự đã nhiều năm nỗ lực để phục hồi Tiền Lương.

Lã Quang không thực sự là một người cai trị hiệu quả trên lãnh địa của mình, và có nhiều cuộc nổi loạn đã nổ ra để chống lại sự cai trị của ông. Đáp lại, ông đã lập ra các đạo luật nghiêm khắc. Viên quan Đoàn Nghiệp của ông đã cố gắng dùng lời nói để chống lại các điều luật nghiêm ngặt vào năm 388, và mặc dù Lã Quang nói ràng ông đồng ý với Đoàn Nghiệp song ông vẫn không thực sự nới lỏng các điều luật đó.

Vào mùa xuân năm 389, Lã Quang xưng là Tam Hà vương. Trong khoảng thời gian này, vợ ông là Thạch phu nhân, con trai Lã Thiệu, và em trai Lã Đức Thế (呂德世) đã đến Cô Tang sau khi trải qua vài năm ở Cừu Trì. Ông lập Thạch phu nhân làm vương hậu và lập Lã Thiệu làm thế tử.

Năm 391, Lã Quang đã cố tiến hành một cuộc tấn công bất ngờ vào Tây Tần khi vua Khất Phục Càn Quy của nước này đang tấn công quân nổi loạn của Một Dịch Can (沒奕干), song Khất Phục Càn Quy đã nhanh chóng phản ứng lại khi hay tin về cuộc tấn công, Lã Quang đã rút lui. Tuy nhiên, điều này lại khởi đầu cho một loạt các trận chiến giữa Hậu Lương và Tây Tần. Năm 392, Lã Quang cử em trai là Lã Bảo (呂寶) đi đánh Tây Tần và con trai Lã Toản đi đánh một chư hầu của Tây Tần là tộc trưởng người Khương Bành Hề Niệm (彭奚念), và cả Lã Bảo và Lã Toản đều bị đánh bại, mặc dù vậy, Lã Quang sau đó đã đích thân tiến đánh Bành Hề Niệm, chiếm được kinh thành Phu Hãn (枹罕, nay thuộc Lâm Hạ, Cam Túc) của Bành và buộc ông ta phải chạy trốn.

Năm 394, Lã Quang nhận được sự khuất phục trên danh nghĩa của tộc trưởng Tiên TiThốc Phát Ô Cô, những lời mà quân sư Thạch Chân Nhược Lưu (石真若留) tuyên bố đã gián tiếp thể hiện rằng Hậu Lương lúc đó đang ở đỉnh cao, Thạch Chân Nhược Lưu cho rằng Hậu Lương có khả năng tiêu diệt bộ lạc Thốc Phát nếu muốn.

Vào mùa thu năm 394, Lã Quang cử con trai là Lã Phúc (呂覆) đi đảm nhiệm vị trí trấn thủ tại Cao Xương (高昌, nay thuộc địa khu Turfan, Tân Cương), và trong thời điểm này, Hậu Lương là một thế lực đang kiểm soát một phần đáng kể Tây Vực.

Vào mùa thu năm 395, Lã Quang thực hiện một cuộc tấn công lớn vào Tây Tần, lần này thì Khất Phục Càn Quy đã chịu khuất phục làm chư hầu, ông ta cử con trai là Khất Phục Sắc Bột (乞伏敕勃) đến Hậu Lương làm con tin. Tuy nhiên, Khất Phục Càn Quy đã sớm hối tiệc vì việc này và đã cho xử tử hai viên quan của mình là Mật Quý Chu (密貴周) và Mạc Giả Cổ Đê (莫者羖羝) vì họ đã đề xuất chuyện này. Có lẽ, ông ta cũng đã từ bỏ sự khuất phục trước Lã Quang.

Năm 396, Lã Quang xưng làm "Thiên vương", đồng nghĩa với xưng đế. Ông lập Lã Thiệu làm thái tử, và phong tước công hoặc hầu cho 20 người gồm các em trai, con trai và cháu trai, và ông cũng phong tước hiệu cho các quan của mình. Tuy nhiên, khi ông có gắng ban tước hiệu cho Thốc Phát Ô Cô, Thốc Phát Ô Cô đã nói với sứ thần của Lã Quang rằng:

Các con trai của Lã Thiên vương đều tham ô và vô đạo. Các cháu trai của ông ta cực kỳ hung bạo và tàn nhẫn. Người dân gần xa đều oán hận và sẵn sàng nổi loạn. Làm sao ta có thể chống lại người dân và chấp thuận các tước hiệu bất công này? Ta sẽ tự xưng vương.

Thốc Phát Ô Cô do đó đã từ chối tước hiệu, mặc dù vậy, ông ta vẫn giữ các nhạc sĩ và nghệ nhân mà Lã Quang cử đến như là một phần của việc ban tước hiệu. Bình luận của Thốc Phát Ô Cô có ý tuyên truyền và không đúng với các sự kiện sau đó.